Sau lưng bao nhiêu con người bất hạnh ấy
là bấy nhiêu tất bật, lo toan của những thầy thuốc. Từ việc cắt tóc,
cạo râu, đến tắm giặt, vệ sinh, thậm chí đút cho bệnh nhân ăn và trò
chuyện, tâm tình với họ… là những công việc không tên của “mẹ hiền” nơi
bệnh viện tâm thần
Như chăm con mọn 
ĐD Trần Thị Kim Tuyết đang chăm sóc cho bệnh nhân Lan tại Khoa điều trị cấp tính nữ.
Điều
dưỡng trưởng Trần Thị Kim Tuyết (Bệnh viện Tâm thần Nghệ An) vừa mở cửa
dãy khoa điều trị cấp tính nữ, các bệnh nhân ào ra hành lang vui mừng,
hớn hở: “Chị Tuyết, ngày mai, chị cho em về để kịp làm đám cưới nhé,
người yêu điện thoại bảo em về rồi đó”. Điều dưỡng Tuyết hỏi: “Nhưng em
thấy mình đã khoẻ chưa”? Bệnh nhân Hồ Thị Lan trả lời: “Em chưa khoẻ”.
"Vậy vào phòng để chị chải tóc cho đẹp rồi hôm sau cho về để làm đám
cưới nhé", Lan ngoan ngoãn đi vào phòng khi nghe chị Tuyết nói như vậy.
Một
bệnh nhân khác chạy lại với vẻ mặt đau khổ: "Chị Tuyết ơi! em yêu chồng
lắm, cho tôi về đi, anh ấy không bỏ em đi nữa đâu”. Điều dưỡng Tuyết
với vẻ mặt cảm thông, đưa tay vuốt ve, an ủi chị. Hỏi ra mới biết bệnh
nhân này cũng chưa lấy chồng, những lời nói đó đều là do chứng bệnh
hoang tưởng mà ra. “Không gần gũi với bệnh nhân thì không chữa được",
điều dưỡng trưởng Tuyết mở đầu câu chuyện khi kể về những bệnh nhân “đặc
biệt” của mình. Với bệnh nhân ở đây, các y, bác sỹ phải mất công sức
theo dõi, điều trị và để hiểu rõ tính cách của cả người bệnh. Có bệnh
nhân thích được đối xử ngọt ngào, nhẹ nhàng nhưng cũng có người phải lớn
tiếng, la hét, thậm chí hăm doạ mới chịu nghe lời.

Bệnh nhân tại Khoa cấp tính nam
Việc
thay đồ cho một người bệnh rất vất vả, có khi phải huy động 2- 3 điều
dưỡng, giữ chặt tay mới thay được quần áo. Khó nhọc nhất là chuyện tắm,
trời nóng còn đỡ, chứ những hôm trời rét như cắt da, cắt thịt, việc
thuyết phục được bệnh nhân tắm cực kỳ khó khăn. Thế là các điều dưỡng,
người giữ, người dội ngước, kỳ cọ, trong khi bệnh nhân tìm cách chống
đối. 
Các điều dưỡng phải cố định cho bệnh nhân lên cơn kích động
"Một
ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng, thúc giục các bệnh
nhân dậy, hướng dẫn họ đi vệ sinh, sau đó thăm khám lại bệnh, trưa lại
cho họ ăn, trò chuyện, tâm sự với họ. Chỉ đến khi họ lên giường, chúng
tôi mới được tạm nghỉ", điều dưỡng Tuyết cho biết. Chị Tuyết trao đổi,
cán bộ ở đây luôn bị đánh, bị đuổi phải chạy, bị chửi… không phải là
việc hiếm gặp. Đó là lúc mệt nhất vì bệnh nhân trong trạng thái kích
động, đập phá, la hét, chửi bới không chịu ngồi yên.
Điều
dưỡng Nguyễn Thị Sen - người đã từng bị tai nạn do một bệnh nhân lên
cơn kích động đánh kể lại: "Hôm đó, khi tôi cùng với điều dưỡng Nguyễn
Xuân Việt đang chia cơm cho các bệnh nhân. Trong khi đang lấy khăn lau
miệng cho bệnh nhân thì bị một bệnh nhân nam lên cơn kích động bất ngờ
lấy dụng cụ đưa cơm phang vào đầu tôi rất mạnh khiến tôi ngất tại chỗ,
máu chảy rất nhiều, được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu, vết thương khâu tới
5 mũi, phải nghỉ 2 tháng trời nằm viện mới đi làm việc trở lại" thế
nhưng việc đi làm lại đang còn di chứng cho bản thân, hiện tay tôi bị
tê bì, mỗi khi trở trời tôi vẫn còn thấy đau đầu” . Đến
bếp ăn tại bệnh viện, chúng tôi bất ngờ với không khí trật tự, ấm cúng
như một gia đình. Đĩa cơm trắng, thịt, đậu phụ kho và một tô canh nghi
ngút khói…, những câu chuyện trao đổi giữa bệnh nhân và giữa người bệnh
với nhân viên của Khoa Dinh dưỡng đầy thân thiết. Vừa dừng tay xới cơm,
một nữ nhân viên tâm sự: “Chị thấy không, không phải bệnh nhân tâm thần
nào cũng đáng sợ như phần đông chúng ta vẫn tưởng… Những bệnh nhân đến
ăn ở bếp ăn, đây là những bệnh nhân vẫn có phần ý thức, có nhiều người
chỉ bị rối loạn trong một khoảng thời gian nào đó, họ thậm chí là những
giáo viên giỏi, những kỹ sư tài ba…"
Đã trót duyên nợ với nghề 
Chị Sen đang châm cứu cho bệnh nhân
“Nếu
ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, Gian khổ sẽ dành phần ai”, điều dưỡng
Nguyễn Thị Sen đã trả lời khi tôi đề cập đến câu chuyện có lần chị đã
từng quyết định chuyển về bệnh viện Nhi công tác nhưng quyết định đó đã
thay đổi bởi cái nghiệp trót đã gắn với nơi này. “Đến
giờ mình cũng không cắt nghĩa được vì sao?. Chỉ biết lúc đó, mình đã
suy nghĩ rằng, bản thân đã quen với cái nghề mình đã chọn, tình lương y
thì không phân biệt người bệnh", điều dưỡng Sen chia sẻ. "Nhớ lại ngày
đầu về công tác, nhìn những cảnh bệnh nhân “ người không ra người”,
không điều khiển được hành vi của mình khiến mình cũng sợ". Thế nhưng,
khi gần gũi, theo dõi điều trị, tiếp xúc mới thấy họ thật đáng thương.
Mỗi bệnh nhân đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần phát bệnh
đều do một biến cố nào đó khiến họ bị tổn thương, rối loạn tâm thần".
Hơn 20 năm nay gắn bó với Bệnh viện, nhiều lần tham gia trực tết, lo Tết
cho bệnh nhân, không ít kỷ niệm. Thường thì, những người bệnh ở lại Tết
là những bệnh nhân nặng hoặc những người không còn chốn đi về. Họ bị
gia đình từ chối, hoặc không còn ai thân thiết nữa và cũng có những
người không còn biết đến quê hương. Không ít bệnh nhân có hoàn cảnh éo
le vì bệnh quá nặng, nếu đón về ăn Tết thì cả nhà, thậm chí cả làng mất…
Tết. Ở lại bệnh viện, ngoài tiêu chuẩn ăn thêm 3 ngày Tết theo quy
định, bệnh viện có chút góp thêm từ kinh phí của Viện và từ thùng Quỹ từ
thiện ( phần đông do cán bộ, nhân viên của Viện đóng góp). 
Các
cán bộ, nhân viên của Bệnh viện trực tiếp gói bánh chưng, giò lụa để
cho bệnh nhân có thể ăn ngon hơn thường ngày. Vào đêm 30 tết, đến thời
khắc giao thừa, bệnh nhân ở lại, hầu hết đều rối loạn ý thức, rất hiếm
người biết được cái khắc giờ thiêng liêng của giây phút chuyển giao. Còn
y, bác sỹ thì phải đảm bảo vị trí trực, và tự đón giao thừa trong im
lặng, trong phòng trực của mình. “Tết
trong bệnh viện tâm thần là những cái Tết không không giống ai và không
có ở đâu”, điều dưỡng Việt nói thế về những ngày Tết của y, bác sỹ nơi
đây. Thế mới biết, chăm sóc, điều trị
cho bệnh nhân tâm thần là vô cùng vất vả, thiệt thòi. Thế nhưng, vượt
lên tất thảy là lòng yêu thương, là sự sẻ chia của “những thiên thần áo
trắng” trong một thế giới chỉ có âm thanh hỗn loạn của tiếng khóc, tiếng
la hét, tiếng cười vô thức, một thế giới ngỡ chừng như thờ ơ với dòng
đời xuôi ngược ngoài kia… Gần 30 năm
gắn bó với bệnh viện, Bác sĩ Phan Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện kể lại:
"Thời điểm năm 1988, những cán bộ ngành y hầu hết sau khi tốt nghiệp thì
đều về tỉnh nhà nhận công tác. Tôi nhớ, lúc đó, lãnh đạo ngành có hỏi
tôi rằng, có 6 huyện miền núi, 2 bệnh viện đặc thù, đồng chí chọn cái
nào thì chọn. Sau một hồi suy nghĩ, không hiểu sao tôi đã nhanh chóng
quyết định chọn bệnh viện tâm thần để “ đầu quân”. Ngần
đấy năm công tác, ngần ấy năm cống hiến cho nhiều khoa phòng tại Bệnh
viện rồi lên chức Giám đốc nhưng khi chia sẻ về duyên nợ với nghề, anh
cười: “Nhiều người vẫn hay hỏi vui rằng sao anh lại đi tâm thần. Quả
thực có lần tôi cũng đã từng nghĩ đến chuyện chuyển nghề. Thế nhưng mỗi
lần nhìn thấy người bệnh được điều trị khỏi bệnh trở về với gia đình và
xã hội là một lần gieo một thứ sinh khí kỳ lạ và níu giữ đôi chân tôi
với những bệnh nhân “đặc biệt” này".
Hồ Hà- Thu Hiền
|